Tin được quan tâm;tinduocquantam

Display portlet menu
end portlet menu bar
start portlet menu bar

Văn hóa, di tích, danh thắng

Display portlet menu
end portlet menu bar
Văn hóa, di tích, danh thắng

Miền đất phúc…

30/08/2021 01:50
Màu chữ Cỡ chữ

Ông bà ta vẫn thường nói: “Đất lành chim đậu”. Tôi cảm nhận Bình Thủy quê tôi thật sự là miền đất lành, đất phúc, là “địa linh nhân kiệt” với con người trung dũng; những mái đình, ngôi chùa trăm năm cùng những di tích ghi dấu lịch sử. Những giá trị truyền thống ấy không chỉ là niềm tự hào mà còn là nền tảng để Bình Thủy quê tôi phát triển ngành công nghiệp không khói, mời gọi du khách phương xa về với quê mình…

Dấu ấn thời gian

 

Lắm lúc ngẫm nghĩ, tôi vẫn thường tự hào rằng thiên nhiên đã ưu đãi cho Bình Thủy quá nhiều. Một vùng đất có sông nước hữu tình, cây trái sum suê cùng những di tích lịch sử, kiến trúc văn hóa đã trở thành niềm tự hào chung của người dân Cần Thơ. Đến Cần Thơ, bạn không thể bỏ qua những di tích như: đình Bình Thủy trăm năm rêu phong, mái chùa Nam Nhã cổ kính hay nhà cổ Vườn Lan với kiến trúc nghệ thuật độc đáo… Điều đó cũng đồng nghĩa với việc bạn không thể không một lần đến thăm Bình Thủy. Hiện, địa bàn quận Bình Thủy có đến 7 di tích văn hóa – lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia và 1 di tích lịch sử cấp thành phố.

Chùa Nam Nhã - di tích quốc gia, là điểm đến của du khách trong và ngoài nước.

Niềm tự hào ấy cũng là trách nhiệm của chính quyền, ngành văn hóa và người dân Bình Thủy quê tôi. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích luôn được Bình Thủy quan tâm, thực hiện có hiệu quả. Ngày đầu tháng 3-2013, người dân Bình Thủy rộn ràng chào đón sự kiện khánh thành Khu Tưởng niệm Thủ Khoa Bùi Hữu Nghĩa sau hơn 3 năm xây dựng. Công trình được xây dựng trên nền ngôi mộ cũ của cụ Thủ khoa, mở rộng diện tích lên 10.000 m2, tổng mức đầu tư công trình là 57,84 tỉ đồng. Công trình bao gồm khu mộ, nhà bia, nhà tưởng niệm, nhà trưng bày, nhà tiếp khách…  kiến trúc theo kiểu truyền thống của Việt Nam: cột tròn, mái cong, ngói lưu ly, có các phù điêu hình rồng, phượng… Sáng 1-3-2013, tiếng trống trang nghiêm, oai hùng hòa cùng tiếng nhạc rộn rã đã mở màn cho Lễ kỷ niệm 141 ngày mất và khánh thành Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. Trong không khí thiêng liêng và phấn khởi, đồng chí Lê Tâm Niệm- Chủ tịch UBND quận Bình Thủy- nhấn mạnh: quận Bình Thủy sẽ có kế hoạch giữ gìn, tu bổ và phát huy hiệu quả, tác dụng của Di tích Lịch sử - Văn hóa, khu tưởng niệm Thủ Khoa Bùi Hữu Nghĩa để nơi đây luôn luôn là một điểm về nguồn đầy ý nghĩa giáo dục truyền thống đối với thế hệ trẻ của địa phương nói riêng, cả nước nói chung.

Thời gian qua, song song với việc tập trung kinh phí đầu tư trên 90 tỷ đồng để trùng tu, nâng cấp, mở rộng các di tích lịch sử văn hóa như: trùng tư, nâng cấp một số hạng mục của đình Bình Thủy, Nhà cổ Vườn Lan, xây dựng phù điêu ở di tích Đặc ủy An Nam cộng sản đảng Hậu Giang…, quận Bình Thủy rất quan tâm đến công tác tổ chức các lễ hội ngày càng long trọng và trang nghiêm.

Các di tích, lịch sử ấy còn có vai trò tích cực trong việc giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cho thế hệ trẻ của quê hương tôi. Vui mừng biết bao khi thời gian qua, Ban Tuyên giáo Quận ủy đã phối hợp với phòng Văn hóa và Thông tin, Quận đoàn, phòng Giáo dục và Đào tạo và các phường trên địa bàn quận đưa nội dung “Giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng địa phương cho học sinh trên địa bàn quận Bình Thủy trong giai đoạn hiện nay” vào các trường học trên địa bàn quận. Một số chương trình mà quận đã tổ chức như: “Vui hè học sử”, “Em yêu biển đảo quê hương”, “Hành trình truyền thống”… ở các di tích thật sự là cầu nối, thắp lửa truyền thống cho thế hệ hôm nay.

Thế mới biết, những di tích ở Bình Thủy không chỉ là minh chứng sống động cho lịch sử hình thành và phát triển của mảnh đất Bình Thủy – Long Tuyền hàng trăm năm trước mà còn là những câu chuyện về lòng yêu nước của người dân quê tôi. Sẽ thú vị biết bao khi một ngày đẹp trời đến với Bình Thủy, ghé những ngôi chùa cổ kính để thấy lòng nhẹ tênh, thanh thản; và ghé những căn cứ xưa, nghe kể những gương anh hùng để thấy tự hào về quê hương, đất nước. Trong ngọn gió xuân rào rạt đang tràn về hôm nay, tôi nghe như những dấu ấn trăm năm đang ùa về, rực rỡ sắc trời Bình Thủy.

Lộc thời gian…

Du lịch Cần Thơ những năm gần đây phát triển khá mạnh, đa dạng loại hình, dịch vụ thu hút khách. Đến Cần Thơ, Ninh Kiều sẽ đón khách bằng sự tấp nập của phố chợ; Cái Răng sẽ đưa khách bồng bềnh chợ nổi; khách sẽ đắm mình trong những vườn trái cây xum xuê trái chín ở miệt vườn Phong Điền… Và khi đặt chân đến Bình Thủy, “đất phúc” sẽ đón khách bằng những công trình mang dấu ấn trăm năm và bằng sự hào phóng, hiếu khách của người dân quê tôi.

Tại buổi tọa đàm “Phát huy di tích lịch sử văn hóa gắn với giáo dục truyền thống và phát triển du lịch” do quận Bình Thủy tổ chức vào trung tuần tháng 11-2013 vừa qua, một con số rất ấn tượng được đưa ra là trong năm, ước tính, du lịch Bình Thủy thu hút 102 ngàn lượt du khách trong nước và 35 ngàn lượt du khách nước ngoài đến tham quan các di tích trên địa bàn. Một thế mạnh của du lịch Bình Thủy trong nhiều năm qua là các lễ hội, sự kiện thường niên diễn ra trên địa bàn. Trong đó, lễ cúng Kỳ Yên Thượng Điền và Kỳ Yên Hạ Điền đình Bình Thủy, lễ Thượng Ngươn, Hạ Ngươn của chùa Long Quang hay lễ giỗ cụ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa… đã được người dân trong vùng và khách du lịch chờ đợi. Năm 2013, Bình Thủy còn được TP Cần Thơ chọn tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương với quy mô cấp thành phố sau khi Nghi thức thờ cùng Hùng Vương – Việt Nam được công nhận là Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Với tư cách là đơn vị đăng cai, Bình Thủy đã làm hài lòng khách tham quan với phần nghi thức trang trọng, thành kính, phần hội vui nhộn, rộn ràng với các trò chơi như: đua thuyền, kéo, vượt chướng ngại vật ghép hình Hùng Vương…

Học sinh Bình Thủy tham gia chương trình Vui hè học sử tại đình Bình Thủy

Ngoài hệ thống di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, văn hóa, Bình Thủy còn có khu du lịch sinh thái, với tổng diện tích gần 16 ha, trồng đa canh các chủng loại trái cây như: xoài cát Hoà Lộc, thanh long ruột đỏ, dâu Hạ châu, dừa Xiêm lùn, nhãn xuồng cơm vàng…và một số làng nghề như: trồng hoa kiểng, làm bánh tét, trồng rau màu sạch… Thời gian qua, UBND quận, phòng Văn hóa - Thông tin, phòng Kinh tế… đã thực hiện tốt việc phối hợp với các Công ty du lịch, Công ty lữ hành trên địa bàn thành phố nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh quận Bình Thủy; liên kết xây dựng các tua tuyến du lịch gắn với 8 điểm di tích và các khu du lịch sinh thái, nhà vườn làm du lịch như: ông Ngô Chí Hiếu, ông Đặng Văn Cống (Ba Cống), ông Phạm Văn Hiếu, ông Lê Tấn Dậu, ông Dương Hoàng Hùng, ông Trần Văn Lân và làng nghề truyền thống hoa kiểng phường Long Hòa. Nhờ đó, quận Bình Thủy từng bước trở thành địa điểm ngày càng nhiều du khách quan tâm tìm đến. Rõ ràng, ngành văn hóa du lịch quận Bình Thủy đã hoàn toàn “mở” khi biết liên kết du lịch với doanh nghiệp và một số tour tuyến nhằm mang đến doanh thu cho du lịch quận nhà. Thực tế, một số tour đã khai thác vừa qua trên sông nước Cần Thơ như: Bến Ninh Kiều- Chợ Nổi Cái Răng- Vườn ông Ba Cống- Nhà cổ Bình Thủy- đình Bình Thủy… hay Bình Thủy liên kết với một số nhà vườn làm du lịch của huyện Phong Điền… đã cho thấy hiệu quả rõ nét. Điều này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn có ý nghĩa “lấy di tích nuôi di tích” theo nghĩa dùng doanh thu du lịch để tham gia công tác bảo tồn, trùng tu và nhất là giúp di tích “sống” trong nhịp sống đương đại. Đó cũng là kênh quan trọng quảng bá những đặc trưng về văn hóa của Bình Thủy với bạn bè khắp nơi.

Du khách nước ngoài tham quan Nhà cổ Vườn Lan

Còn nhớ, trong buổi khảo sát du lịch của quận vào một ngày cuối tháng 9-2013, chủ tịch UBND quận Bình Thủy - Lê Tâm Niệm đã rất tâm đắc với hướng làm du lịch của quận nhà. Đồng chí Lê Tâm Niệm cũng đã chỉ ra một số công việc mà quận cần làm để phát triển ngành công nghiệp không khói này như: giải quyết khó khăn về hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông để đưa đón khách cũng như đầu tư cho các vườn vệ tinh để đảm bảo thị hiếu của khách tham quan, nâng cao thu nhập của người dân làm du lịch… Tôi cảm nhận được tâm huyết cũng như những kỳ vọng của vị lãnh đạo quận cho du lịch Bình Thủy trong tương lai. Tôi cũng cảm nhận được rằng cả hệ thống Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Thủy cũng đang kỳ vọng và phấn khởi về triển vọng phát triển của ngành “công nghiệp không khói” trên quê hương bằng di tích lịch sử, văn hóa. “Nội lực” đó là đòn bẫy tốt để phát triển.

*

*   *

Nếu đã chán ngán một ngày khói bụi, xe cộ, Tết này, mời bạn xuống những chiếc xuồng ba lá, máy đuôi tôm chu du kinh rạch Bình Thủy quê tôi. Bình Thủy sẽ đón khách bằng những vạt hoa xuân rực rỡ sắc màu trong nắng mới mùa xuân. Đến Bình Thủy một lần để cảm nhận được sự sung túc, màu mỡ và chan chứa nghĩa tình của “miền đất phúc”.

Duy Khôi

Các tin khác

  • An Nam Cộng Sản Đảng (12/01/2019)
  • Chùa Long Quang (12/01/2019)
  • Di tích Kiến trúc Nghệ thuật Nhà Thờ Họ Dương (12/01/2019)
  • Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa (12/01/2019)
  • Hội Linh Cổ Tự (12/01/2019)
  • Nam Nhã Đường (Chùa Nam Nhã) (12/01/2019)
  • Đình Bình Thủy - Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia (12/01/2019)
  • Di tích Lịch sử - Văn hóa “Căn cứ Ban Chỉ huy Tổng tấn công và Nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở Cần Thơ” (Căn cứ Vườn Mận). (12/01/2019)
  • Trang đầu 1 Trang cuối

Thông tin tuyên truyền;thongtintuyentruyen

Display portlet menu
end portlet menu bar

Kết nối doanh nghiệp;ketnoidoanhnghiep

Display portlet menu
end portlet menu bar